Bạn có biết, tại sao không nên chỉ dùng đơn độc xét nghiệm sắt huyết thanh để đánh giá hàm lượng sắt trong cơ thể không? Bạn có biết, tại sao trong viêm lại giảm sắt trong huyết thanh không? Vậy, Labnotes123 sẽ giúp bạn trả lời các câu hỏi đó thông qua bài viết rất ngắn gọn, mà lại hay này!
1. Vai trò và phân bố của sắt trong cơ thể
Sắt tham gia vận chuyển khí O2 và CO2 trong cơ thể. Tổng kho sắt trong cơ thể khoảng 2-6g và được phân bố chủ yếu trong Hemoglobin hồng cầu, Myoglobin của cơ (60-70%); khoảng 30% dự trữ dưới dạng Ferritin, Hemosiderin trong gan, lách, tủy xương; chỉ có 0.1% sắt lưu hành trong huyết tương dưới dạng kết hợp với Transferrin. Transferrin giúp vận chuyển sắt đi đến các cơ quan khác nhau trong cơ thể.
Sự phân bố và vai trò của sắt trong cơ thể
2. Những lưu ý cần nhớ khi sử dụng xét nghiệm định lượng sắt huyết thanh
Sắt huyết thanh có thể hạ thấp trong quá trình viêm, mà không thực sự có tình trạng thiếu hụt sắt rõ rệt trong cơ thể, không phải tất cả các bệnh nhân thiếu máu thiếu sắt và các bệnh lý viêm mạn tính đều có giảm sắt huyết thanh. Vì vậy, không nên sử dụng đơn độc xét nghiệm định lượng sắt huyết thanh để xác định tình trạng thiếu sắt của cơ thể, mà cần kết hợp các xét nghiệm định lượng Ferritin, TIBC, Transferrin.
Trong viêm, cơ thể hoạt hóa Hepcidin, Hepcidin ức chế sự hấp thu sắt ở ruột non, đồng thời ức chế sự giải phóng sắt từ hệ liên võng nội mô gan, lách (nơi tập trung nhiều sắt trong cơ thể); kết quả làm sắt huyết thanh giảm. Tuy nhiên kho dự trữ, và tổng lượng sắt trong cơ thể không giảm.
Hai rối loạn chuyển hóa sắt chính trong cơ thể là thiếu sắt và quá tải sắt. Quá tải sắt gặp trong các bệnh lý: bệnh nhiễm thiết huyết tố (Hemosiderosis) do tăng quá mức khẩu phần sắt, bệnh nhiễm Hemosiderin do truyền máu nhiều lần hoặc thuốc chứa nhiều sắt, các bệnh lý tan máu (Thalassemia),…
Giá trị bình thường
Nam= 11.6 -31.3 µmol/L
Nữ= 9.0 – 30.4 µmol/L
YẾU TỐ THAY ĐỔI KẾT QUẢ XÉT NGHIỆM
Huyết tương đục: Triglyceride > 15 g/L
Vỡ hồng cầu/tan máu
Huyết tương vàng: Bilirubin > 20 mg/dL
Máu chống đông EDTA
Giảm giả tạo sắt huyết thanh khi huyết tương bị đục do tăng lipid máu và khi có các tình trạng viêm
Tăng giả tạo sắt huyết thanh khi bệnh nhân dùng vitamin B12 trong 48 giờ trước xét nghiệm, và bệnh phẩm vỡ hồng cầu
Một số thuốc bệnh nhân sử dụng cũng làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm
Lê Văn Công
Tài liệu tham khảo: 1. Các xét nghiệm thường quy ứng dụng trong lâm sàng (2013), Nhà xuất bản Y học, trang 377-381. 2. QĐ 320/BYT, Hướng dẫn quy trình kỹ thuật chuyên ngành hóa sinh, trang 401-402. 3. Stookey LL. Ferrozine-A new spectrophotometric reagent for iron. Anal Chem 1970; 42: 779-81. 4. Itano M. Serum Iron Survey. Am J Clin Pathol 1978; 70: 516-522. 5. Artiss JD, Vinogradov S, Zak B. Spectrophotometric study of several sensitive reagents for serum iron. Clin Biochem 1981; 14: 311-315. 6. Tietz Textbook of Clinical Chemistry and Molecular Diagnostics, 4th ed. Burtis CA, Ashwood ER, Bruns DE. WB Saunders Co, 2005. 7. Young DS. Effects of drugs on clinical laboratory tests, 5th ed. AACC Press, 2000. 8. Friedman and Young. Effects of disease on clinical laboratory tests, 4th ed. AACC Press, 2001.
Ủng hộ Labnotes123 để nhóm có kinh phí hoạt động tốt hơn bằng cách đóng góp vào tài khoản: Lê Văn Công Vietinbank: 106006076994 Chi nhánh tỉnh Hải Dương