Để đánh giá thiếu máu thiếu sắt, có phải bạn nghĩ rằng, định lượng sắt sẽ biết ngay là có thiếu sắt hay không? Bạn có biết rằng, đó là ý nghĩ chưa hoàn toàn chính xác không? Hôm nay, Labnotes123 sẽ cho bạn thấy xét nghiệm Ferritin là một xét nghiệm dự báo thiếu máu do thiếu sắt còn nhạy hơn cả xét nghiệm định lượng sắt trong huyết thanh. Đồng thời, Labnotes123 cũng sẽ cho bạn thấy, không phải cứ sắt huyết thanh giảm là thiếu sắt đâu nhé! Bắt đầu nào!
Ferritin là một protein dự trữ sắt chính trong cơ thể. Ferritin có mật độ cao trong gan, tủy xương, lách. Nồng độ Ferritin huyết thanh cân bằng với kho Ferritin dự trữ. Vì vậy, định lượng nồng độ Ferritin huyết thanh giúp đánh giá tổng kho dự trữ sắt được cơ thể đưa ra sử dụng.
Nồng độ Ferritin huyết thanh giảm sớm, trước khi xảy ra thiếu máu thiếu sắt. Quá trình thiếu máu sẽ diễn tiến qua 3 giai đoạn:
Giai đoạn 1: khi thiếu máu thiếu sắt, các kho ferritin, hemosiderin sẽ thiếu hụt/giảm xuống.
Giai đoạn 2: sắt huyết thanh giảm, khả năng gắn sắt toàn thể (TIBC – Total Iron Binding Capacity) tăng lên.
Chỉ tới giai đoạn 3: nồng độ hemoglobin mới giảm, tình trạng thiếu hụt sắt mới ảnh hưởng đến quá trình sinh tổng hợp nhân heme.
Ngoài ra, nồng độ Ferritin huyết thanh tăng trong các nhiễm trùng mạn tính, viêm mạn tính (viêm khớp dạng thấp, bệnh thận mạn), các u ác tính (u lympho, leucemia, ung thư vú, u mạch máu, bệnh nhiễm hemosiderin (hemosiderosis), bệnh nhiễm sắc tố sắt mô (hemochromatosis).
Giá trị bình thường:
Trẻ em: 7-140 µg/L
Nam: 20-250 µg/L
Nữ: 20-200 µg/L
YẾU TỐ THAY ĐỔI KẾT QUẢ XÉT NGHIỆM
- Huyết tương đục: Triglyceride > 5 g/L
- Vỡ hồng cầu/tan máu: Hemoglobin > 10 g/L
- Huyết tương vàng: > 62 mg/dL
- Bệnh nhân dùng các chất/thuốc/thức ăn có hàm lượng sắt cao
- Sau truyền máu, dùng đồng vị phóng xạ, huyết thanh có nồng độ lipid cao đều làm tăng giả tạo Ferritin huyết thanh
Lê Văn Công
Tài liệu tham khảo 1. Các xét nghiệm thường quy ứng dụng trong lâm sàng (2013), Nhà xuất bản Y học, trang 130-132. 2. Bernard A, Lauwerys R. Turbidimetric latex immunoassay for serum ferritin. J Immunol Methods 1984; 71: 141-147. 3. Wiedemann G, Jonetz-Mentzel L. Establishment of reference ranges for ferritin in neonates, infants, children and adolescents. Eur J Clin Chem Clin Biochem. 1993; 31: 453-457. 4. Tietz Textbook of Clinical Chemistry and Molecular Diagnostics, 4th ed. Burtis CA, Ashwood ER, Bruns DE. WB Saunders Co, 2005. 5. Young DS. Effects of drugs on clinical laboratory tests, 5th ed. AACC Press, 2000. 6. Worwood M. Ferritin. Blood Reviews 1990; 4: 259-269 7. Friedman and Young. Effects of disease on clinical laboratory tests, 4th ed. AACC Press, 2001.
Ủng hộ Labnotes123 để nhóm có kinh phí hoạt động tốt hơn bằng cách đóng góp vào tài khoản: Lê Văn Công Vietinbank: 106006076994 Chi nhánh tỉnh Hải Dương