1. CHỨNG ĐÔNG MÁU LÀ GÌ?
Chứng đông máu là hỗn hợp huyết tương của khoảng 5-10 người, tốt nhất 15 người khỏe mạnh, lấy huyết tương của họ, trộn lại làm chứng. Tại sao lại cần đến nhiều người như vậy, bởi vì với khoảng ấy người thì đảm bảo chắc chắc trong huyết tương chứng sẽ có đầy đủ 13 yếu tố đông máu. Vì 1 người khỏe mạnh bình thường, chưa chắc yếu tố đông máu đã có đầy đủ cả LƯỢNG và CHẤT. Như vậy, huyết tương chứng được xem là huyết tương bình thường, có đầy đủ các yếu tố đông máu, mức độ hoạt động tốt.
Sau khi có hỗn hợp huyết tương chứng, nhà sản xuất sẽ dùng hóa chất của họ đo hỗn hợp này để tính ra THỜI GIAN CỦA HỖN HỢP HUYẾT TƯƠNG. Thời gian này được cài vào trong máy, khi làm các xét nghiệm PT, APTT.
2. TẠI SAO CẦN ĐẾN CHỨNG ĐÔNG MÁU?
Chứng đông máu được xem là HUYẾT TƯƠNG BÌNH THƯỜNG, do vậy khi tiến hành xét nghiệm PT, APTT khảo sát đông máu sẽ cho ra KẾT QUẢ THỜI GIAN ĐÔNG MÁU BÌNH THƯỜNG (biểu thị bằng giây).
Khi tiến hành khảo sát PT, APTT của bệnh nhân sẽ cho ra KẾT QUẢ THỜI GIAN ĐÔNG CỦA BỆNH NHÂN (biểu thị bằng giây). Để dễ dàng nhận định, đánh giá kết quả xét nghiệm của bệnh nhân là bình thường hay bất thường, người ta đem so sánh THỜI GIAN ĐÔNG CỦA BỆNH NHÂN với THỜI GIAN ĐÔNG MÁU CỦA HUYẾT TƯƠNG BÌNH THƯỜNG. Từ đó, tỷ lệ bệnh/chứng ra đời, và lý tưởng nhất cho là bệnh nhân bình thường thì THỜI GIAN ĐÔNG CỦA BỆNH NHÂN = THỜI GIAN ĐÔNG MÁU CỦA HUYẾT TƯƠNG BÌNH THƯỜNG, như vậy tỷ số bệnh/chứng=1. Nếu tỷ lệ bệnh/chứng càng lớn hơn 1, chứng tỏ THỜI GIAN ĐÔNG CỦA BỆNH NHÂN kéo dài hơn bình thường. Nếu tỷ lệ bệnh/chứng càng nhỏ hơn 1, chứng tỏ THỜI GIAN ĐÔNG CỦA BỆNH NHÂN ngắn hơn bình thường.
Do cách đánh giá đơn giản như vậy, mà hiện nay người ta chuộng biểu thị kết quả xét nghiệm APTT, PT dạng tỷ số bệnh/chứng hơn.
3. TỶ LỆ BỆNH/CHỨNG CỦA PT CÓ GÌ CHÚ Ý?
Xét nghiệm PT dùng để khảo sát đông máu ngoại sinh, qua đó đo lường tổng quát các yếu tố II, V, VII, X. Xét nghiệm cần dùng đến hoạt chất thromboplastin và Ca++ để khởi động con đường ngoại sinh. Chất Thromboplastin có ở nhiều động vật, nhiều cơ quan khác nhau, nguồn gốc phong phú, ví dụ phổi lợn, não thỏ hay tim bò, đa số là các tổ chức của cơ thể đều có. Đặc biệt là, ở mỗi nguồn gốc khác nhau, thì HOẠT ĐỘ hay KHẢ NĂNG HOẠT HÓA lại khác nhau, không giống nhau giữa các vị trí, không giống nhau giữa các loài.
Vì vậy, để thống nhất hóa chất của các hãng khác nhau, đi tới mục tiêu kết quả xét nghiệm không phụ thuộc vào hóa chất, để từ đó có thể so sánh kết quả xét nghiệm giữa các phòng xét nghiệm với nhau ở trong nước và ngoài nước thì tỷ số PT bệnh/PT chứng cần phải CHUẨN HÓA. Chính vì vậy, tỷ số PT bệnh/ PT chứng được chuẩn hóa theo độ nhạy của thuốc thử - chỉ số ISI. Chỉ số ISI được ra đời và các nhà sản xuất hóa chất PT phải công bố chỉ số ISI cho mỗi lô hóa chất của mình, ISI sẽ sẽ cài luôn vào máy. Khi ISI ra đời, thì tỷ lệ PT bệnh/PT Chứng sẽ tuân theo ISI, từ đó chỉ số INR ra đời.
4. TỶ LỆ BỆNH/CHỨNG CỦA APTT CÓ GÌ CHÚ Ý?
Xét nghiệm APTT dùng để khảo sát con đường đông máu nội sinh, sử dụng hoạt chất Kaolin (thay yếu tố tiếp xúc), Cephalin (thay phospholipid tiểu cầu).
Cũng giống như PT, xét nghiệm APTT phụ thuộc vào thuốc thử, do đó khó so sánh với chứng, chính vì vậy người ta cũng có nhu cầu thiết lập một "INR" giống như PT, nhưng các cuộc khảo cứu cho đến nay chưa mang lại kết quả. Do vậy, kết quả vẫn được báo cáo đơn thuần tỷ lệ APTT bệnh/ APTT chứng.
5. XÉT NGHIỆM PT CÒN BIỂU THỊ DẠNG TỶ LỆ %. VẬY NÓ ĐƯỢC TÍNH TOÁN NHƯ THẾ NÀO?
%PT ở đây là % độ hoạt động của prothrombin, và nó có mối liên quan tới thời gian PT của bệnh nhân. Cụ thể, thời gian PT bệnh nhân TỶ LỆ NGHỊCH với % độ hoạt động, thời gian PT kéo dài khi % độ hoạt động giảm. Mối tương quan này được biểu thị theo ĐỒ THỊ THIVOLLE (Xem hình bên dưới)
Ban đầu, người ta cũng lấy hỗn hợp huyết tương người khỏe mạnh làm chứng, và coi độ hoạt động của họ là 100%. Tiếp theo, người ta pha loãng huyết tương này ra các tỷ lệ % khác nhau như 35%, 40%,.... rồi lấy huyết tương sau pha loãng đo PT time. Kết quả là, ứng với mỗi mức nồng độ % thì có 1 thời gian PT riêng. Và họ tạo thành 1 BẢNG TRA CỨU. Bảng này có bản giấy, nhưng được cài luôn vào trong máy. Sau này, thời gian PT bệnh nhân sẽ được so sánh với bảng tra cứu. Ví dụ PT bệnh nhân là 13s, máy sẽ xem nó ứng với bao nhiêu %PT.
Lê Văn Công
Tài liệu tham khảo: 1. 1. https://www.researchgate.net/…/Relationship-of-percentage-a…
2. http://www.coaguchek.com/…/medica…/prothrombin_time_INR.html
3. GS.Đỗ Trung Phấn - Kỹ thuật xét nghiệm huyết học truyền máu ứng dụng trong lâm sàng
4. GS. Nguyễn Anh Trí - Đông máu ứng dụng trong lâm sàng
5. Trần Văn Bé, Huyết học lâm sàng
6. Ramnik Sood, Concise Book of MediCal laBoratory technology Methods and interpretations
👉👉 Để xem được các video và bài viết mới nhất của chúng tôi, hãy đăng ký kênh theo địa chỉ: https://user35495.pics.ee/A7D2A
🎬 Youtube: https://www.youtube.com/labnotes123/?sub_confirmation=1 📡Địa chỉ webbsite: https://labnotes123.wixsite.com/medical 🖱Địa chỉ fanpage: https://www.facebook.com/Labnotes123/ 📕Hiệu sách: https://www.facebook.com/Labnotes123/shop/ #labnotes123