Trước đây mình rất hay bị nhầm lẫn 2 khái niệm này, và không biết lúc nào dùng Mức lọc cầu thận, lúc nào dùng độ thanh thải. Vậy cùng phân biệt nó nhé!
NỘI DUNG ĐƯỢC THAM KHẢO TỪ CUỐN PHÂN TÍCH XÉT NGHIỆM HÓA SINH LÂM SÀNG TẬP 1 - LÊ VĂN CÔNG
Thận có nhiều chức năng (lọc và bài tiết nước tiểu, thăng bằng acid-base, kiểm soát huyết áp, sản xuất hormone erythropoietin điều hòa sản xuất máu, hoạt hóa vitamin D3 kiểm soát hấp thu Canci,....)
Tuy nhiên, nhắc đến chức năng thận thì chức năng quan trọng hàng đầu vẫn là chức năng lọc và bài tiết nước tiểu. Trong đó, thận giữ lại các chất quan trọng đối với cơ thể và đào thải các sản phẩm chuyển hóa, các chất độc ra khỏi cơ thể.
Như vậy, chức năng thận được đánh giá dựa vào đo lường các chất thải trong máu, thường là ure, creatinine, các chất này tích lũy trong máu khi thận bắt đầu suy giảm chức năng đào thải. Suy thận thực sự khi thận chỉ còn 20-30% nephron còn chức năng hoạt động, lúc này một trong hai chất trên mới thực sự tăng trong máu. Lượng ure hoặc creatinine được thận ĐÀO THẢI RA KHỎI MÁU và XUẤT HIỆN TRONG NƯỚC TIỂU, được gọi là độ thanh thải (clearance).
Độ thanh thải của một chất được định nghĩa là thể tích huyết tương chứa chất đó, khi đi qua thận (đi qua cả cầu thận và ống thận), được thận loại bỏ hết chất đó trong một đơn vị thời gian, đơn vị mL/phút. Đo lường độ thanh thải để đánh giá mức lọc cầu thận.
Mức lọc cầu thận (GFR, glomerular filtration rate) là lượng huyết tương được lọc qua CẦU THẬN trong một đơn vị thời gian (chỉ lọc qua cầu thận, mà ko qua ống thận). Nói cách khác, mức lọc cầu thận là toàn bộ lượng nước tiểu đầu được tạo ra bởi 2 thận trong một đơn vị thời gian. Mỗi ngày có khoảng 180 lít huyết tương được lọc qua cầu thận vào khoang Bowman, tức là có 180 lít nước tiểu đầu được tạo ra, suy ra mức lọc cầu thận là 180 lít/24 giờ = 125 mL/phút.
NHƯ VẬY, MỨC LỌC CẦU THẬN LÀ KHÁI NIỆM CHỈ XEM XÉT ĐẾN KHẢ NĂNG LỌC MÁU CỦA CẦU THẬN MÀ KHÔNG CÓ SỰ THAM GIA CỦA HỆ THỐNG ỐNG THẬN.
GFR phản ánh chức năng lọc của thận và là thông số đại diện để đánh giá chức năng chung của thận, trong lâm sàng dùng để đánh giá mức độ suy giảm chức năng thận và phân loại giai đoạn bệnh thận mạn (CKD, chronic kidney disease).
Tuy nhiên, không thể đo lường trực tiếp mức lọc cầu thận mà cần dựa vào một số chất có độ thanh thải đúng bằng mức lọc cầu thận, chỉ cần đo độ thanh thải của các chất này thì có thể xác định được mức lọc cầu thận. Các chất phổ biến bậc nhất trên lâm sàng hiện nay là creatinine, cystatin C. (còn thêm các chất khác nữa đã trình bày trong sách, nhưng trong phạm vi bài viết chỉ nêu lên 2 chất này).
Các chất được dùng để đánh giá độ thanh thải phải thỏa mãn những điều kiện sau: 1. Được lọc qua cầu thận dễ dàng mà không bị cản trở, chất này sẽ có trong dịch lọc cầu thận (nước tiểu đầu) với nồng độ đúng bằng trong huyết tương. 2. Không bị ống thận bài tiết thêm vào trong nước tiểu 3. Không bị ống thận hấp thu vào máu 4. Không bị chuyển hóa hay tích trữ tại thận
Các chất thỏa mãn các điều kiện trên thì lượng chất đó được lọc qua cầu thận trong một đơn vị thời gian sẽ bằng đúng với lượng chất đó trong nước tiểu thải ra ngoài trong cùng đơn vị thời gian. Nói cách khác, độ thanh thải của thận với chất đó chính bằng mức lọc cầu thận.
Cystatin C là một chất có độ nhạy và độ đặc hiệu cao để đánh giá chức năng thận, cao hơn creatinine. Khác với creatinine, nồng độ cystatin C không phụ thuộc vào tuổi, giới tính, chiều cao, khối cơ của bệnh nhân, cũng không bị ảnh hưởng bởi thuốc, nhiễm trùng, viêm, chế độ ăn. Do đó, cystatin C được xem là một xét nghiệm vượt trội để đánh giá chức năng thận. Cystatin C tăng trong máu trước khi GFR giảm hoặc creatinine tăng.
Tuy nhiên thì hiện nay, độ thanh thải creatinine được sử dụng phổ biến hơn cả.
Mời các bạn đọc thêm, đánh giá về ưu nhược điểm của độ thanh thải creatinine và độ thanh thải cystatin C và các chất khác tại PHÂN TÍCH XÉT NGHIỆM HÓA SINH LÂM SÀNG TẬP 1.
Thông tin về sách, xem tại website Labnotes123
Liên hệ đặt sách tại Fanpage Labnotes123