Đây là một trường hợp khá thường gặp trong quá trình thực hành, việc có đầy đủ các xét nghiệm sinh hóa về sắt như Ferritin, sắt huyết thanh, TIBC và cùng với xét nghiệm công thức máu sẽ cho ra cái nhìn sáng tỏ nhất căn nguyên gây ra kết quả này.
CTM của 1 bệnh nhân nam 23 tuổi, đến kiểm tra sức khỏe
Nhận thấy: RBC cao >7.05 T/L, MCV=56.9 fl, MCH=19.6 pg, HGB=13.8 g/L bình thường, RDW=20.6% tăng
Kết luận: SLHC tăng cao, hồng cầu nhỏ nhược sắc, kích thước rất không đồng đều, huyết sắc tố bình thường không thiếu máu. Cần kiểm tra thêm xét nghiệm sắt và Ferritine huyết thanh. Nếu ferritine huyết thanh và/hoặc sắt huyết thanh giảm thì Trường hợp này có thể rơi vào 1 trong các giai đoạn của tình trạng thiếu máu nhược sắc có thể do thiếu Fe.
Giải thích:
1. Trường hợp này có thể rơi vào 1 trong các giai đoạn của tình trạng thiếu máu nhược sắc có thể do thiếu Fe. Tại sao lại như vậy? (Đọc thêm bài viết khác đã giải thích của Labnotes123).
Tất cả những trường hợp nào, làm giảm tổng hợp HGB sẽ gây ra tình trạng thiếu máu nhược sắc, thường gặp nhất là do thiếu Fe (ở đây mình nghĩ là do tình trạng thiếu Fe gây nên, sử dụng thêm dữ liệu hoá sinh về Fe của bệnh nhân để khẳng định), ngoài ra giảm porphyrin, giảm globin cũng gây ra hồng cầu nhỏ nhược sắc. Trong thiếu máu nhược sắc, nguyên liệu tổng hợp nên HGB giảm, từ đó làm giảm HGB là chất mang Oxy trong hồng cầu đến mô cơ quan sử dụng, khiến mô/cơ quan thiếu oxy. Thận là cơ quan nhạy cảm với tình trạng thiếu Oxy của cơ thể. Khi đó các tế bào kẽ quanh mao mạch ống thận tại vỏ thận tăng sản xuất hormone Erythropoietin (EPO), EPO tác động lên các tế bào đầu dòng hồng cầu làm tăng cường tốc độ phân chia và biệt hoá để tăng hồng cầu trưởng thành máu ngoại vi (1).Sự kiện này kéo theo làm tăng quá trình tổng hợp HGB trong cơ thể, tuy nhiên do thiếu nguyên liệu để tổng hợp nên HGB làm cho các hồng cầu "con" đang sinh ra càng nhiều nhưng lại thiếu HGB bên trong, kết quả là hồng cầu con sinh ra càng nhỏ (2). Lúc này, cơ thể "tung ra" nguồn sắt dự trữ, cũng như tăng tính nhạy cảm với các nguyên liệu cấu tạo nên HGB như Fe, acid amin, protein,... từ nguồn gốc thức ăn, thuốc,.... tức là cơ thể sẽ tăng cường hấp thu triệt để tối đa các chất này để bổ sung nguyên liệu cấu tạo nên HGB, cung cấp cho quá trình sản xuất hồng cầu để đảm bảo đủ HGB để vận chuyển oxy trong hồng cầu, đáp ứng cơ thể (3). Như vậy, trong máu bệnh nhân sẽ có những hồng cầu chứa đủ HGB nên kích thước bình thường, có những HC tích ít HGB nên kích thước nhỏ (4), tuy nhiên tổng lượng HGB là bình thường.
(1) Giải thích RBC tăng cao (2) Giải thích MCV, MCH giảm (3) Giải thích HGB bình thường (4) Giải thích RDW tăng
Chú ý: Thiếu máu chỉ là một dấu hiệu, nó gặp trong rất nhiều bệnh lý, nên từ tờ giấy huyết học chỉ nghĩ đến những nguyên nhân gì mà không dùng nó để chẩn đoán bệnh nhân đang trong tình trạng bệnh lý gì? Nó cần được bổ sung với chẩn đoán lâm sàng, và các xét nghiệm, cận lâm sàng khác.
2. Nếu xét nghiệm Ferritine và sắt huyết thanh bình thường, thì cần làm các xét nghiệm kiểm tra bệnh Thalassemia như điện di huyết sắc tố để tìm HGB bất thường. Trong phần sau Labnotes123 sẽ gửi tới các bạn.
Lê Văn Công
(Đón xem phần 2 và phần 3 của bài viết)
👉👉 Để xem được các video và bài viết mới nhất của chúng tôi, hãy đăng ký kênh theo địa chỉ: https://user35495.pics.ee/A7D2A ------------------------------------------------------------------------------------------ 🎬 Youtube: https://www.youtube.com/labnotes123/?sub_confirmation=1 📡Địa chỉ webbsite: https://labnotes123.wixsite.com/medical 🖱Địa chỉ fanpage: https://www.facebook.com/Labnotes123/ 📕Hiệu sách: https://www.facebook.com/Labnotes123/shop/ #labnotes123